Theo phong thủy nhà ở, nhà bếp là trái tim của cả căn nhà, nơi khởi tạo ra nguồn năng lượng hỏa, có thể tiêu diệt các năng lượng tiêu cực. Tuy nhiên, nếu không đặt bếp đúng vị trí phù hợp với phong thủy chung của ngôi nhà, thì năng lượng, sinh khí cũng như vượng khí của ngôi nhà sẽ bị phá hủy. Hãy cùng Edugate đọc bài viết này và tham khảo ý kiến các chuyên gia nhé, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong việc hoàn thiện căn nhà mơ ước.
Những điều quan trọng về phong thủy của bếp.
Đối với phong thủy của bếp thì có rất nhiều luận thuyết khá phức tạp, nào là về vị trí phòng bếp, phương vị cát hung của bếp lò, nào là tương mệnh của chủ nhân, hướng cửa… khó có thể nhớ hết một cách chi tiết. Trong đó, có những điểm mê tín, lạc hậu, không nhất thiết phải biết hết, chỉ cần biết rằng phong thủy truyền thống đã tổng hợp những điều quan trọng của bếp thành năm điểm sau đây để giúp chúng ta tham khảo.
(1) Kỵ gió: Theo thuyết “Tàng phong tụ khí” (trữ gió, tụ khí) của phong thủy thì nhà bếp rất kỵ gió, trong đó kỵ gió nhất là bếp lò. Phong thủy cấm kỵ bếp lò đối diện với cửa chính hoặc sau bếp lò có cửa sổ, chính là vì sợ gió từ cửa chính hoặc cửa sổ thổi vào làm tắt lửa trong bếp lò. Trong thực tế, để đảm bảo an toàn, người ta không bố trí bếp lò đối diện ngay cửa chính hoặc trước cửa sổ vì: nếu như bếp gas bị gió thổi tắt thì khí gas thoát ra cực kỳ nguy hiểm cho hô hấp và rất dễ cháy nổ. Còn nếu dùng củi để nấu thì gió thổi tới sẽ làm tắt bếp và làm tro bụi tàn lửa bay mù mịt khắp nhà dễ gây hỏa hoạn.
Tóm lại, cho dù khôn tin vào quan niệm của phong thủy thì thực tiễn cũng buộc chúng ta phải chú ý các điểm sau: thứ nhất là không bố trí bếp lò trực xung lối đi thẳng từ cửa chính vào, thứ hai là không đặt bếp lò ngay trước cửa sổ, nhất là không dựa sát mé Tây cửa sổ.
(2) Kỵ nước: Hỏa lò thuộc Hỏa, “Thủy Hỏa bất tương dung”, nếu hỏa lò gặp nước thì gián tiếp ảnh hưởng đến việc nấu nướng chế biến thức ăn, làm hại sức khỏe của người nhà. Lưu ý ba điểm sau:
– Không bố trí hỏa lò ở phương Bắc vì hướng Bắc vượng Thủy, mà Thủy có khả năng dập tắt Hỏa, phương vị này không tốt.
– Không đặt hỏa lò trên mương thoát nước, trên miệng cống.
– Không đặt hỏa lò nằm giữa hai vật thuộc Thủy như bồn rửa và tủ lạnh…
(3) Bếp lò tọa hung hướng cát: Sách Kim quang đấu lâm kinh có câu đại ý là: “Hỏa khẩu, là nơi cung cấp lửa đốt đáy nồi mà được nhìn về cát phương thì phúc phát cực nhanh”. Còn “tọa cát hướng cát” thật chẳng thể bằng “tọa hung hướng cát” vậy.
(4) Không bố trí bếp sát vào phòng ngủ: Không khí trong bếp đầy dầu mỡ, hơi nóng, khói lửa và đủ loại mùi vị sẽ thổi vào phòng ngủ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Để tránh, cần chú ý:
– Bếp lò không tương xung với cửa phòng ngủ.
– Bếp lò không được áp sát vào phòng ngủ.
(5) Phòng bếp cần sạch sẽ, sáng sủa: Phòng bếp mà bẩn thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc nấu nướng, chế biến thức ăn, cho dù bếp đặt tại phương vị tốt thì các món ăn làm ra cũng mất ngon, mất hấp dẫn; tâm lý người nấu cũng như người ăn đều không thoải mái, không muốn ăn.
Muốn giữ gìn bếp núc sạch sẽ cần chú ý các điểm sau:
– Tường bếp nên ốp gạch men sứ, hoặc hỗn hợp nhôm nhựa, inox… vừa sạch vừa dễ lau chùi vệ sinh. Các món chiên xào, khi nấu dầu mỡ văng lên tường có ốp các vật liệu trên thì việc lau rửa cũng hết sức dễ dàng.
– Sàn bếp lát bằng các loại gạch men sứ nhám hoặc đá hoa cương. Gạch men sứ thì dùng loại lớn sẽ ít khe tiếp xúc giữa các viên với nhau, lau chùi dễ sạch hơn. Cần lưu ý các loại vật liệu ốp lát trong bếp đều nên có màu trăng nhã, tươi sáng để tăng thêm sạch sẽ, mỹ quan.
– Trong bếp cần có thiết bị hút bụi khói, mùi vị và quạt thông gió; đây là những thiết bị rất cần thiết để giữ không khí trong lành, thoáng mát trong bếp.
– Trong bếp cần lắp tủ bếp.
– Trong bếp nên dùng loại đèn có ánh sáng tự nhiên (mặt trời) hoặc các loại đèn ống.
Tóm lại, muốn cho bếp sạch sẽ thoáng mát thì cần chú ý:
– Loại bỏ mọi vật dụng không thật sự cần thiết để bếp thông thoáng, gọn gàng.
– Nên dùng loại đèn huỳnh quang để đảm bảo ánh sáng tỏa đều khắp, mặt khác để tăng dương khí vì trong bếp âm khí quá nặng.
Tham khảo thêm: Những điểm quan trọng về phong thủy của bếp (Phần 6).